Thứ Tư, 1 tháng 6, 2016

Microsoft và Facebook đặt cáp ngầm dưới đáy biển

Microsoft và Facebook thông báo sẽ xây dựng đường cáp biển Internet mới tốc độ cao, xuyên Đại Tây Dương, nối Mỹ và miền nam châu Âu.
Hôm thứ năm 26/5, Microsoft và Facebook thông báo sẽ xây dựng đường cáp biển Internet tốc độ cao, xuyên Đại Tây Dương, nối Mỹ và miền nam châu Âu, nhằm đáp ứng nhu cầu đòi hỏi dịch vụ trực tuyến ngày càng phải nhanh và tin cậy hơn.
Các dịch vụ dựa trên đám mây của Microsoft như Skype, Xbox Live, Office 365, công cụ tìm kiếm Bing và nền tảng điện toán đám mây Azure sẽ hưởng lợi từ việc xây dựng đường cáp này.
Một bản đồ lưu lượng truy cập Internet và điện thoại năm 2006 cho thấy thông lượng mà thế giới có được tính bằng dây cáp dưới đáy biển.
Mạng cáp 6.600 km này, còn được gọi là đường cáp Marea ước tính có thông lượng 160 terabytes dữ liệu/giây và dự kiến sẽ được xây dựng trong tháng 8 và sẽ hoàn thành vào tháng 10 năm 2017.

Marea - tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là "thủy triều" và trải dài từ Bắc Virginia, Mỹ đến Bilbao, Tây Ban Nha - sẽ được điều hành bởi Telxius, một công ty hạ tầng viễn thông thuộc sở hữu của Telefonica, công ty Tây Ban Nha. Khi hoàn thành, cáp Marea sẽ là một trong nhiều đường cáp kết nối thế giới.
Dưới đây là 6 điều cần biết về mạng xương sống Internet dưới đáy biển:
1. Singapore được biết đến là một trong những trung tâm trung chuyển điều phối cáp ngầm biển hàng hàng đầu thế giới.
Singapore là trạm trung chuyển của giao thông vận tải theo đường hàng không, đường biển và của hệ thống cáp truyền dẫn tín hiệu, dữ liệu. Ngay cả trước thập kỷ 1900, Singapore là một điểm đích của các đường dây cáp điện tín đi dưới đáy biển, truyền các thông điệp giữa Anh Quốc và Châu Á. Ngày nay, nhiều hệ thống cáp ngầm biển hiện đại kết nối đến Singapore, từ đó tiếp tục kết nối với các quốc gia khác trong mọi lục địa trừ Nam Cực.
Quốc gia này là một nút kết nối, trung chuyển của 16 đường cáp và mạng viễn thông quốc tế đi ngầm dưới biển, tính đến tháng 10 năm 2015.
Một hệ thống như vậy đã truyền dẫn thông lượng dữ liệu lên đến hơn 114 terabyte mỗi giây.
2. Độ bền của cáp đáy biển là khoảng 25 năm
Bản đồ cáp ngầm biển của TeleGeography, cập nhật năm 2016, liệt kê 293 hệ thống cáp đang hoạt động và 28 hệ thống khác đang trong quá trình triển khai. “Hệ thống trong quá trình triển khai” là những hệ thống đang được xây dựng hoặc dự kiến được cung ứng đầy đủ tài chính vào cuối năm nay.
Một khi các hệ thống này đi vào hoạt động, chúng sẽ có độ bền 25 năm trước khi phải sửa chữa hay thay thế. Các tàu bảo trì đặc biệt được phái đi thực hiện công việc sửa chữa.
Nếu phần bị hư hỏng của cáp có độ sâu không quá 2.000 m, người ta dùng robot để kéo cáp lên. Tuy nhiên, nếu độ sâu của phần cáp hỏng đó quá lớn, một tay cẩu máy sẽ được sử dụng để kéo cáp lên sửa chữa.
3. Cài đặt cáp là quá trình tốn kém và gian truân
Nếu bạn cài đặt truyền hình hoặc một máy tính khó như thế nào, thì việc cài đặt toàn bộ một mạng lưới cáp dưới đáy biển càng khó khăn hơn rất nhiều lần.
Quá trình lắp đặt cáp ngầm dưới biển thường tẻ nhạt, đòi hỏi nhiều giờ công và đông nhân lực. Các con tài cáp khổng lồ được sản xuất riêng để rải và lắp đặt các loại cáp dọc theo đáy đại dương và chúng phải đảm bảo rằng cáp được chôn đúng kỹ thuật, mà đồng thời tránh được các rặng san hô và các hình thức khác nhau của sự sống dưới đáy đại dương. Tàu cáp một ngày lắp dặt được từ khoảng 100-200 km cáp.
4. Độ lớn nhỏ của cáp khác nhau tùy theo nơi chúng được lắp đặt trong các đại dương
Có nhiều mối đe dọa dưới biển làm hỏng cáp ngầm - chẳng hạn như cá mập và tàu - trong vùng nước nông và do đó chúng thường có đường kính lớn, bằng chiều ngang của một lon nước ngọt có ga.
Tuy nhiên, ở độ sâu hơn, chúng thường có đường kính nhỏ hơn, khoảng 17 mm. Các loại cáp thường được bọc trong lớp vỏ bảo vệ và có phần lõi bao gồm các sợi quang và đồng. Ngay cả ở độ sâu 8.000m dưới biển, bằng chiều cao của đỉnh Everest cũng có cáp.
5. Dây cáp thường bị hư hỏng do nguyên nhân bên ngoài và dễ bị điệp viên và kẻ phá hoại tấn công.
Cá mập cũng thích cắn những dây cáp dưới đáy biển và nguyên nhân đằng sau hiện tượng kỳ lạ này không rõ ràng. Đã có những trường hợp cho thấy cá mập “có sở thích cắn sợi cáp quang mới, mà không thể giải thích, được treo dọc dưới đáy đại dương", theo một bài báo năm 1987 của New York Times. Các cuộc tấn công của cá mập đã buộc các công ty như Google bảo vệ cáp dưới nước của họ bằng cách bọc sợi cáp bằng vật liệu làm áo giáp Kevlar.
Ngoài cá mập, các mối đe dọa bên ngoài khác bao gồm các thảm họa thiên nhiên, neo tàu và lưới vây quét, thả rà dưới đáy sông biển, của các thuyền đánh cá.
Cáp biển cũng là mục tiêu dễ tấn công của điệp viên và kẻ phá hoại.
Trong thời kỳ chiến tranh lạnh (1945-1991), cơ quan an ninh quốc gia Hoa Kỳ (NSA) đã tiến hành một chiến dịch mang tên "Ivy Bells" sử dụng tàu ngầm và thiết bị ghi hình âm dưới nước để thu thập tín hiệu truyền qua lại giữa 2 đường cáp ngầm biển nối 2 căn cứ hải quân lớn của Liên Xô.
Trong năm 2013, ba thợ lặn bị cơ quan chức Ai Cập bắt với cáo buộc cố ý cắt cáp ngầm biển ngoài khơi cảng Alexandria. Đường cáp mà các tay thợ lặn phá hoại nhắm đến chính là SeaWeMe-4 (tên viết tắt tiếng Anh của cụm từ Đông Nam Á-Trung Đông-Đông Âu-4), có vai trò cung cấp 1/3 thông lượng Internet của Ai Cập và châu Âu.
6. Cáp ngầm biển rẻ và hiệu quả hơn so với vệ tinh
CNN cho biết trong năm 2015 hơn 99% thông tin liên lạc quốc tế của chúng ta được truyền qua cáp dưới đáy biển, cho dù nhân loại đã phát minh ra vệ tinh.
Vệ tinh không hiệu quả bằng cáp ngầm biển, vì mất thời gian lâu hơn để truyền thông tin qua lại, không bằng tốc độ truyền dữ liệu của cáp quang dưới đáy biển.
Các nhà nghiên cứu đã phát triển các loại sợi quang học có thể truyền dữ liệu đi với tốc độ xấp xỉ bằng 99,7% vận tốc ánh sáng, theo extremetech.com.
Ngoài ra, cáp ngầm dưới đáy biển cũng rẻ hơn so với vệ tinh - vốn cũng có thông lượng giới hạn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét