Thứ Tư, 29 tháng 6, 2016

Gigabyte ra mắt card đồ họa GeForce GTX 1070 WindForce 2X

GeForce GTX 1070 WindForce 2X trang bị tản nhiệt WindForce 2X thay vì dùng tản nhiệt WindForce 3X như card đồ họa chuyên game GTX 1070 G1.Gaming cũng của Gigabyte.
WindForce 2X là giải pháp làm mát gồm miếng tản nhiệt nhôm lá tinh gọn cùng cặp quạt đường kính 90mm. Quạt có thể tự dừng trong trường hợp card đồ họa chạy không tải.

GeForce GTX 1070 WindForce 2X được trang bị 8GB bộ nhớ, sử dụng một cổng cấp nguồn PCIe 8-pin. Card cho 3 cổng xuất DisplayPort 1.4, 1 cổng HDMI 2.0b và 1 cổng DVI kép.
Theo thông tin ban đầu, xung nhịp của GeForce GTX 1070 WindForce 2X có thể tăng tốc tới 1.771 MHz trong chế độ ép xung OC hoặc tới 1.746 MHz trong chế độ Gaming.
Xem tiếp...

Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2016

Windows 10: Gỡ siêu dữ liệu trong ảnh chụp

Ành chụp từ camera hoặc smartphone luôn đính kèm siêu dữ liệu Exchangeable Image File - EXIF, vì vậy chia sẻ ảnh trực tuyến cũng đồng nghĩa với việc bạn để lộ nhiều thông tin cá nhân.

Các thông tin EXIF bao gồm tên của máy ảnh hoặc điện thoại bạn đang sử dụng, thiết lập máy ảnh, ngày tháng và thời gian khi ảnh được chụp và tồi tệ hơn đó là vị trí mà bức ảnh được chụp. Các thông tin khác có thể không phải là vấn đề, nhưng gắn thẻ vị trí địa lý có thể được xem là một sự vi phạm quyền riêng tư rất lớn.
Bởi lẽ, với thông tin này thì bất cứ ai cũng có thể dễ dàng tìm ra nơi bạn chụp hình ảnh đó, vì vậy có thể theo dõi vị trí nhà của bạn hoặc biết bạn đang ở đâu ngay lúc chia sẻ ảnh. Nếu bạn nghĩ rằng thông tin này là mối quan tâm, hướng dẫn sau sẽ giúp bạn loại bỏ nó từ những hình ảnh được lưu trữ trong máy tính Windows 10.
Loại bỏ siêu dữ liệu trong hình ảnh
Bạn có thể xem và loại bỏ siêu dữ liệu (metadate) từ các thuộc tính của bất kỳ hình ảnh: Chỉ cần nhấp chuột phải vào ảnh và chọn Properties từ trình đơn ngữ cảnh.
Cửa sổ hiện ra bạn hãy chuyển sang thẻ Details, lúc này bạn sẽ thấy tất cả siêu dữ liệu gắn kèm với hình ảnh có thể được nhìn thấy bởi bất cứ ai có quyền truy cập vào bức ảnh. Để xóa dữ liệu này, hãy nhấn vào nút Remove Properties and Personal Information ở dưới cùng của cửa sổ.
Hình 1
Điều này sẽ mở ra một cửa sổ mới. Chọn tùy chọn Remove the following properties from this file:, sau đó chọn các siêu dữ liệu mà bạn muốn loại bỏ.
Nếu muốn loại bỏ tất cả các siêu dữ liệu, bạn có thể nhấn vào nút Select All ở phía dưới để chọn tất cả siêu dữ liệu di động.
Hình 2.
Bạn cũng sẽ nhận thấy rằng có một số dữ liệu không thể được gỡ bỏ. Những thông tin này là quan trọng với hình ảnh và không thể xóa được, như kích thước ảnh, không gian chiếm dụng, tên bức ảnh và định dạng bức ảnh…
Một khi nhấn chọn nút OK, tất cả siêu dữ liệu của ảnh sẽ được gỡ bỏ.
Nếu muốn giữ lại các siêu dữ liệu, bạn có thể tạo một bản sao của bức ảnh không có siêu dữ liệu. Để làm điều này, trong cùng một cửa sổ Remove Properties, chọn tùy chọn Create a copy with all possible properties removed.
Hình 3.
Khi loại bỏ các siêu dữ liệu, Windows 10 sẽ tạo ra một bản sao của ảnh trong cùng một vị trí với siêu dữ liệu loại bỏ. Điều này là hoàn hảo cho việc chia sẻ hình ảnh với các siêu dữ liệu loại bỏ và giữ hình ảnh ban đầu.
Nếu muốn loại bỏ siêu dữ liệu từ nhiều hình ảnh, bạn hãy đặt tất cả bức ảnh trong cùng một thư mục và chọn tất cả chúng (Ctrl+A). Sau đó kích chuột phải vào chúng và chọn Properties. Và phần còn lại của quá trình tương tự như trên.
Tuy nhiên, điều này sẽ loại bỏ tất cả các siêu dữ liệu được lựa chọn từ tất cả các bức ảnh được chọn. Nếu muốn loại bỏ các siêu dữ liệu chọn lọc từ các nhóm khác nhau của bức ảnh, như vị trí địa lý từ máy ảnh, bạn sẽ phải gỡ bỏ riêng các siêu dữ liệu.
Nhận xét
Loại bỏ siêu dữ liệu EXIF là cực kỳ quan trọng nếu bạn muốn chia sẻ hình ảnh trực tuyến. Thậm chí, nếu bạn không ngại chia sẻ thông tin cá nhân, vẫn thực sự tốt để loại bỏ siêu dữ liệu để đề phòng những tên trộm có thể dựa vào đó để vạch ra kế hoạch ăn cắp những thứ trong nhà bạn.
May mắn là nhiều trang web truyền thông xã hội phổ biến như Facebook hay Twitter sẽ tự động xóa các dữ liệu này khi bạn tải ảnh lên, nhưng hãy cẩn thận là điều tốt nhất.
Một khuyến cáo nữa là bạn có thể vô hiệu hóa tính năng gắn thẻ địa lý trong máy ảnh hoặc điện thoại để ngăn chặn thao tác thêm dữ liệu vị trí địa lý cho bức ảnh mà mình chụp.
Xem tiếp...

Thứ Ba, 14 tháng 6, 2016

5 cách chặn thư rác

Thư rác luôn khiến chúng ta mất thời gian dọn dẹp, cho dù đã có những tính năng lọc thư rác của các ứng dụng email. Nhưng bấy nhiêu là vẫn chưa đủ.

Ứng dụng email mà bạn đang dùng, cho dù là ứng dụng cài đặt trên máy tính hay là dịch vụ đám mây thì hầu hết đều có tính năng lọc thư rác, nghĩa là chúng tự động dời những email nghi ngờ vào trong một thư mục riêng. Nhưng chúng không phải lúc nào cũng hoàn hảo. Vài mẹo nhỏ chống thư rác sau đây sẽ giúp bạn tiết kiệm được thời gian và giúp bộ lọc email hoạt động hiệu quả hơn. 
1. Huấn luyện cho bộ lọc
Khi bạn thấy một thư rác có trong hộp Inbox của mình, bạn đừng chỉ xóa chúng. Bạn hãy chọn chúng rồi cho ứng dụng email biết rằng đó là thư rác. Tuỳ vào ứng dụng email mà có nhiều cách “chỉ bảo” khác nhau. Ví dụ, nếu bạn dùng Gmail trên web, bạn nhấn vào nút Report spam trên thanh toolbar (dấu chấm cảm).
Nút báo cáo một email là thư rác trên Gmail.
Bạn cũng cần huấn luyện cho ứng dụng không nhận diện sai thư rác. Tốt nhất là cứ một lần trong ngày, bạn vào thư mục thư rác để phát hiện xem có email “vô tội” nào lọt vào thư mục thư rác ấy hay không. Trong Gmail, bạn nhấn vào nút Not Spam.
Chú thích cho Gmail biết một email không phải là thư rác.
2. Đừng bao giờ phản hồi thư rác
Nếu bạn nhận ra thứ gì đó bất thường trong một email mới nhận thì đừng bao giờ mở nó. Nếu bạn mở nó rồi và phát hiện đó là thư rác thì hãy đóng nó ngay. Đừng nhấn vào bất kỳ nút hay đường link nào có trong email ấy, hay tải file đính kèm về.
Nếu bạn mở một thư rác bởi vì chúng đến từ một người bạn hay một đồng nghiệp thì bạn lập tức liên hệ ngay với người đó để biết chắc tài khoản của người gửi có vấn đề gì hay không.
3. Giấu địa chỉ email của bạn
Hầu như ai cũng có địa chỉ email, nên càng nhiều người có email thì thư rác càng phổ biến. Nên bạn cần giữ địa chỉ email của mình cẩn thận.
Đừng ghi email của mình trên web trừ khi bạn phải làm điều này. Và nếu bạn phải làm, hãy sử dụng một địa chỉ email khác.
Bạn cũng nên sử dụng địa chỉ email tạm thời nào đó khi bạn không cảm thấy thoải mái khi chia sẻ địa chỉ email thực. Chrome và Firefox có một extention tên là Blur có thể giúp bạn tạo một tài khoản email tạm thời. Những tuỳ chọn khác là spamexmailshell.
4. Sử dụng bộ lọc chống thư rác 
Hầu hết các bộ công cụ bảo mật trên thị trường đều có bộ lọc thư rác hoạt động được với những ứng dụng email phổ biến. Nói cách khác, chúng có thể hoạt động tốt với Outlook của bộ Office, nhưng không hoạt động được với webmail Outlook.com.
Hồi tháng 4/2016, AV-Comparatives có xuất bản một báo cáo về chống thư rác (Anti-Spam Test) cho thấy tính hiệu quả của những công cụ lọc thư rác này. ESET Smart Security 9 được đánh giá cao nhất khi tích hợp với Outlook.
5. Thay đổi địa chỉ email
Đây là chọn lựa bất khả kháng nếu như tài khoản email của bạn bị thư rác quá nhiều mà không còn cách giải quyết khả thi nào khác. Dĩ nhiên, bạn sẽ phải thông báo cho các địa chỉ liên lạc thân quen của mình là bạn đã chuyển sang email mới. Nhưng một khi bạn bỏ địa chỉ email cũ thì thư rác vẫn có thể lọt được vào email mới.
Xem tiếp...

Asus ra mắt card đồ họa hỗ trợ chơi game VR

Sản phẩm Strix Geforce GTX 1070 được trang bị hàng loạt công nghệ độc quyền của Asus và nổi bật nhất là cho phép chơi game thực tế ảo VR.

Asus vừa chính thức giới thiệu card đồ họa ROG Strix Geforce GTX 1070 (gọi tắt là Strix 1070) hỗ trợ công nghệ thực tế ảo VR (Virtual Reality) với hiệu suất cực nhanh khi chơi game.
Được phát triển dựa trên bản GTX 1070 tiêu chuẩn của nVidia, Strix 1070 có xung nhịp là 1.860MHz ở chế độ OC (Over Clock), đạt hiệu năng cao hơn 7,1% trong công cụ 3DMark Fire Strike Extreme và 8,5% khi chơi Doom theo thử nghiệm của Asus.
Card đồ họa Asus ROG Strix Geforce GTX 1070.
ROG Strix Geforce GTX 1070 được trang bị hàng loạt công nghệ độc quyền của Asus chẳng hạn như công nghệ Auto-Extreme với các tụ rắn Super Alloy II đảm bảo chất lượng và độ tin cậy, công nghệ DirectCU III với 3 quạt tản nhiệt không gây tiếng ồn và cung cấp hiệu suất cao hơn 30% khi hoạt động hết công suất, thêm vào đó là công nghệ Asus FanConnect tự điều chỉnh tốc độ quạt theo nhiệt độ của GPU.
Bên cạnh đó, ROG Strix Geforce GTX 1070 với tính năng Aura RGB Lighting cho phép tùy chỉnh màu sắc của từng vùng trên card đồ họa. Ngoài ra, chiếc card màn hình này còn sở hữu một thiết kế VR rất thân thiện với hai cổng HDMI cho phép game thủ duy trì kết nối thiết bị của họ và có thể chơi game bất cứ khi nào họ muốn.
Asus ROG Strix Geforce GTX 1070 cũng đi kèm hai phần mềm hữu ích là GPU Tweak II và XSplit Gamecaster.
Đại diện Asus cho biết, dòng card đồ họa ROG Strix Geforce GTX 1070 đã chính thức được mở bán tại Việt Nam.
Xem tiếp...

Thứ Tư, 1 tháng 6, 2016

Microsoft và Facebook đặt cáp ngầm dưới đáy biển

Microsoft và Facebook thông báo sẽ xây dựng đường cáp biển Internet mới tốc độ cao, xuyên Đại Tây Dương, nối Mỹ và miền nam châu Âu.
Hôm thứ năm 26/5, Microsoft và Facebook thông báo sẽ xây dựng đường cáp biển Internet tốc độ cao, xuyên Đại Tây Dương, nối Mỹ và miền nam châu Âu, nhằm đáp ứng nhu cầu đòi hỏi dịch vụ trực tuyến ngày càng phải nhanh và tin cậy hơn.
Các dịch vụ dựa trên đám mây của Microsoft như Skype, Xbox Live, Office 365, công cụ tìm kiếm Bing và nền tảng điện toán đám mây Azure sẽ hưởng lợi từ việc xây dựng đường cáp này.
Một bản đồ lưu lượng truy cập Internet và điện thoại năm 2006 cho thấy thông lượng mà thế giới có được tính bằng dây cáp dưới đáy biển.
Mạng cáp 6.600 km này, còn được gọi là đường cáp Marea ước tính có thông lượng 160 terabytes dữ liệu/giây và dự kiến sẽ được xây dựng trong tháng 8 và sẽ hoàn thành vào tháng 10 năm 2017.

Marea - tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là "thủy triều" và trải dài từ Bắc Virginia, Mỹ đến Bilbao, Tây Ban Nha - sẽ được điều hành bởi Telxius, một công ty hạ tầng viễn thông thuộc sở hữu của Telefonica, công ty Tây Ban Nha. Khi hoàn thành, cáp Marea sẽ là một trong nhiều đường cáp kết nối thế giới.
Dưới đây là 6 điều cần biết về mạng xương sống Internet dưới đáy biển:
1. Singapore được biết đến là một trong những trung tâm trung chuyển điều phối cáp ngầm biển hàng hàng đầu thế giới.
Singapore là trạm trung chuyển của giao thông vận tải theo đường hàng không, đường biển và của hệ thống cáp truyền dẫn tín hiệu, dữ liệu. Ngay cả trước thập kỷ 1900, Singapore là một điểm đích của các đường dây cáp điện tín đi dưới đáy biển, truyền các thông điệp giữa Anh Quốc và Châu Á. Ngày nay, nhiều hệ thống cáp ngầm biển hiện đại kết nối đến Singapore, từ đó tiếp tục kết nối với các quốc gia khác trong mọi lục địa trừ Nam Cực.
Quốc gia này là một nút kết nối, trung chuyển của 16 đường cáp và mạng viễn thông quốc tế đi ngầm dưới biển, tính đến tháng 10 năm 2015.
Một hệ thống như vậy đã truyền dẫn thông lượng dữ liệu lên đến hơn 114 terabyte mỗi giây.
2. Độ bền của cáp đáy biển là khoảng 25 năm
Bản đồ cáp ngầm biển của TeleGeography, cập nhật năm 2016, liệt kê 293 hệ thống cáp đang hoạt động và 28 hệ thống khác đang trong quá trình triển khai. “Hệ thống trong quá trình triển khai” là những hệ thống đang được xây dựng hoặc dự kiến được cung ứng đầy đủ tài chính vào cuối năm nay.
Một khi các hệ thống này đi vào hoạt động, chúng sẽ có độ bền 25 năm trước khi phải sửa chữa hay thay thế. Các tàu bảo trì đặc biệt được phái đi thực hiện công việc sửa chữa.
Nếu phần bị hư hỏng của cáp có độ sâu không quá 2.000 m, người ta dùng robot để kéo cáp lên. Tuy nhiên, nếu độ sâu của phần cáp hỏng đó quá lớn, một tay cẩu máy sẽ được sử dụng để kéo cáp lên sửa chữa.
3. Cài đặt cáp là quá trình tốn kém và gian truân
Nếu bạn cài đặt truyền hình hoặc một máy tính khó như thế nào, thì việc cài đặt toàn bộ một mạng lưới cáp dưới đáy biển càng khó khăn hơn rất nhiều lần.
Quá trình lắp đặt cáp ngầm dưới biển thường tẻ nhạt, đòi hỏi nhiều giờ công và đông nhân lực. Các con tài cáp khổng lồ được sản xuất riêng để rải và lắp đặt các loại cáp dọc theo đáy đại dương và chúng phải đảm bảo rằng cáp được chôn đúng kỹ thuật, mà đồng thời tránh được các rặng san hô và các hình thức khác nhau của sự sống dưới đáy đại dương. Tàu cáp một ngày lắp dặt được từ khoảng 100-200 km cáp.
4. Độ lớn nhỏ của cáp khác nhau tùy theo nơi chúng được lắp đặt trong các đại dương
Có nhiều mối đe dọa dưới biển làm hỏng cáp ngầm - chẳng hạn như cá mập và tàu - trong vùng nước nông và do đó chúng thường có đường kính lớn, bằng chiều ngang của một lon nước ngọt có ga.
Tuy nhiên, ở độ sâu hơn, chúng thường có đường kính nhỏ hơn, khoảng 17 mm. Các loại cáp thường được bọc trong lớp vỏ bảo vệ và có phần lõi bao gồm các sợi quang và đồng. Ngay cả ở độ sâu 8.000m dưới biển, bằng chiều cao của đỉnh Everest cũng có cáp.
5. Dây cáp thường bị hư hỏng do nguyên nhân bên ngoài và dễ bị điệp viên và kẻ phá hoại tấn công.
Cá mập cũng thích cắn những dây cáp dưới đáy biển và nguyên nhân đằng sau hiện tượng kỳ lạ này không rõ ràng. Đã có những trường hợp cho thấy cá mập “có sở thích cắn sợi cáp quang mới, mà không thể giải thích, được treo dọc dưới đáy đại dương", theo một bài báo năm 1987 của New York Times. Các cuộc tấn công của cá mập đã buộc các công ty như Google bảo vệ cáp dưới nước của họ bằng cách bọc sợi cáp bằng vật liệu làm áo giáp Kevlar.
Ngoài cá mập, các mối đe dọa bên ngoài khác bao gồm các thảm họa thiên nhiên, neo tàu và lưới vây quét, thả rà dưới đáy sông biển, của các thuyền đánh cá.
Cáp biển cũng là mục tiêu dễ tấn công của điệp viên và kẻ phá hoại.
Trong thời kỳ chiến tranh lạnh (1945-1991), cơ quan an ninh quốc gia Hoa Kỳ (NSA) đã tiến hành một chiến dịch mang tên "Ivy Bells" sử dụng tàu ngầm và thiết bị ghi hình âm dưới nước để thu thập tín hiệu truyền qua lại giữa 2 đường cáp ngầm biển nối 2 căn cứ hải quân lớn của Liên Xô.
Trong năm 2013, ba thợ lặn bị cơ quan chức Ai Cập bắt với cáo buộc cố ý cắt cáp ngầm biển ngoài khơi cảng Alexandria. Đường cáp mà các tay thợ lặn phá hoại nhắm đến chính là SeaWeMe-4 (tên viết tắt tiếng Anh của cụm từ Đông Nam Á-Trung Đông-Đông Âu-4), có vai trò cung cấp 1/3 thông lượng Internet của Ai Cập và châu Âu.
6. Cáp ngầm biển rẻ và hiệu quả hơn so với vệ tinh
CNN cho biết trong năm 2015 hơn 99% thông tin liên lạc quốc tế của chúng ta được truyền qua cáp dưới đáy biển, cho dù nhân loại đã phát minh ra vệ tinh.
Vệ tinh không hiệu quả bằng cáp ngầm biển, vì mất thời gian lâu hơn để truyền thông tin qua lại, không bằng tốc độ truyền dữ liệu của cáp quang dưới đáy biển.
Các nhà nghiên cứu đã phát triển các loại sợi quang học có thể truyền dữ liệu đi với tốc độ xấp xỉ bằng 99,7% vận tốc ánh sáng, theo extremetech.com.
Ngoài ra, cáp ngầm dưới đáy biển cũng rẻ hơn so với vệ tinh - vốn cũng có thông lượng giới hạn.
Xem tiếp...