Thứ Hai, 26 tháng 10, 2015

Tìm hiểu để nâng cấp CPU Laptop sao cho đúng

Không như các máy tính để bàn (desktop) mỗi khi cần nâng cấp các thành phần như CPU, RAM, card đồ họa,… ta chỉ cần gắn các phần cứng mới với cấu hình cao hơn vào bo mạch chủ (mainboard) là đã có một chiếc máy tính để bàn cao cấp hơn, với máy tính xách tay (laptop) chuyện đó không hề là một điều dễ dàng, nhất là khi nâng cấp CPU.
Không đơn giản như nâng cấp RAM, thay một ổ cứng mới hay bàn phím, việc nâng cấp CPU (Central Processing Unit – Bộ xử lý trung tâm/ Bộ vi xử lý) trên laptop khá phức tạp và đòi hỏi người sử dụng phải khá am hiểu về các thiết bị phần cứng trong máy tính của mình.
Mặc dù việc tháo lắp, nâng cấp CPU khá khó khăn, phức tạp nhưng thay thế một CPU mới với cấu hình cao hơn sẽ cho chúng ta thấy hiệu năng hệ thống được cải thiện rõ ràng nhất. Dĩ nhiên để làm được điều này một cách an toàn, bạn không những phải tìm hiểu về khả năng hoạt động, tương thích của CPU mà còn cần đến sự hỗ trợ từ các chuyên gia có chuyên môn để giúp bạn thực hiện một cách chính xác.
Những lưu ý đầu tiên về CPU
Thực tế cho thấy việc thay mới hay cách thức nâng cấp bộ vi xử lý là không thay đổi ngay từ những ngày đầu tiên xuất hiện máy tính (PC), nhưng việc lựa chọn chip mới sẽ không đơn giản như vậy. Một trong những đánh giá dễ dàng nhất giữa các CPU đời cũ và đời mới là hiệu năng hoạt động, tốc độ xử lý được tính bằng tốc độ xung nhịp (clock speed) – GHz, số nhân (core) hỗ trợ. (Ví dụ: một CPU Intel Dual Core 2.0GHz thì chạy với CPU 2 nhân, mỗi nhân có tốc độ 2.0GHz sẽ thấp hơn một CPU Intel Quad Core 2.0GHz chạy với CPU 4 nhân, mỗi nhân có tốc độ 2.0GHz).
Trước tiên, bạn cần phải xác định các khe cắm (slot) CPU trên bo mạch chủ để xem liệu bạn có cần bộ xử lý Intel hay AMD. Tiếp theo, bạn lựa chọn cấu hình CPU có phù hợp với bo mạch chủ hay không (loại CPU, tốc độ tối thiểu và tối đa, số chân cắm tùy theo mỗi loại bo mạch chủ). Mỗi nhà sản xuất sẽ có một loạt các công nghệ tinh tế khác nhau, tất cả được "lập trình" bên trong các chip với tên gọi khác nhau (Dual Core, Core 2 Duo, Core i3, Core i5, Core i7), vì thế bạn phải kiểm tra kỹ các thông số CPU để nâng cấp cho hợp lý.
Một điều lưu ý nữa là không phải chương trình, ứng dụng nào cũng chạy được với CPU đa nhân (multi core). Hầu hết các chương trình hiện nay cũng chỉ là những chương trình đơn luồng (single threaded), nghĩa là khi nó chạy với CPU đa nhân thì nó chỉ dùng một nhân để xử lý, các nhân còn lại sẽ được đặt ở chế độ nghỉ ngơi (idle). Ví dụ bạn chạy một ứng dụng đơn luồng với chip Core i3-3120 của Intel bốn nhân tốc độ 2.5 GHz thì ứng dụng này chỉ chạy trên một nhân có tốc độ 2.5 GHz mà không thể chạy cùng một lúc bốn nhân đồng nghĩa với việc hiệu năng hệ thống cũng không thể tăng lên bốn lần. Trừ khi bạn chạy thêm một ứng dụng khác, lúc đó các nhân khác bắt đầu hoạt động.
Tuy rằng ngày nay việc phát triển các ứng dụng, phần mềm ngày càng nhiều hơn nhưng việc viết các ứng dụng đa luồng (multi threaded) để sử dụng với CPU đa nhân là việc không đơn giản. Mặt khác, các nhà sản xuất chip CPU chỉ chú trọng việc tăng số nhân cho bộ vi xử lý mà ít quan tâm đến việc tăng xung nhịp CPU. Điều này lại tiếp tục làm cho tốc độ chạy nhiều ứng dụng cùng một lúc không được cải thiện bởi nhiều ứng dụng không thể tận dụng được hết số nhân cùng với việc xung nhịp CPU vẫn không thay đổi.
Vì vậy, khi bạn nâng cấp CPU bạn nên cân nhắc là cần CPU đa nhân (nhiều lõi - multi core) tốc độ tương đối chậm hay CPU ít nhân nhưng tốc độ nhanh hơn? Bên cạnh đó là khả năng Turbo Boost (tự động ép xung) và Hyper Threading (siêu phân luồng) cũng phải được xem xét.
Số nhân, công nghệ "siêu phân luồng" và khả năng tự động ép xung Turbo Boost
Hằng ngày, chúng ta sẽ bắt gặp những từ ngữ như Dual Core, Core 2 Duo, Quad Core,… vậy chúng là gì? Có ý nghĩa thế nào? Đó chính là những thuật ngữ để chỉ số nhân trong một chip CPU hỗ trợ (thông thường là số nhân vật lý).
Hiện nay, trên thị trường phổ biến có các loại CPU:
- CPU hai nhân: AMD Phenom II X2, Intel Core Dual, Core 2 Duo
- CPU bốn nhân: AMD Phenome II X4, Quad Core, các dòng Intel Core i3, Core i5, Core i7
- CPU 6 nhân:  AMD Phenom II X6, Intel Core i7 Extreme Edition 980X,…
- CPU 8 nhân: Các bộ xử lý Octa Core và các CPU dùng trong máy server như Intel Xeon E7 2820, AMD FX 8350,…
- CPU 10 nhân: Các bộ xử lý Deca Core, CPU dùng trong máy server như Intel Xeon E7 2850.
Để xem và có thể điều chỉnh cho ứng dụng mà bạn muốn, chỉ chạy trên một nhân CPU vật lý theo ý của bạn trong khi CPU chạy đa nhân thì bạn có thể mở giao diện Task Manager và bấm chuột phải vào ứng dụng/ tiến trình nào bạn muốn xem và điều chỉnh, sau đó chọn Set Affinity. Tuy nhiên, việc hiệu chỉnh này là không cần thiết nếu bạn không hiểu rõ về hệ điều hành vì có thể gây lỗi khi chạy một số ứng dụng cần bộ xử lý đa nhân.
Xuất hiện từ tháng 5/2003, các bộ vi xử lý của Intel bắt đầu được trang bị công nghệ "siêu phân luồng" (Hyper Threading), với công nghệ này, một nhân vật lý sẽ được hệ điều hành "hiểu" là hai nhân logic (xử lý cùng một lúc hai luồng dữ liệu), nhờ đó bạn có thể sử dụng tối đa khả năng hoạt động của CPU, chạy đồng thời nhiều ứng dụng đòi hỏi khả năng xử lý cao, đồng thời duy trì khả năng đáp ứng của hệ thống, ngay cả việc sản xuất, chỉnh sửa, và mã hóa các tập tin nặng về đồ họa và đồng thời chạy các ứng dụng chạy ngầm, như phần mềm bảo vệ chống vi rút, mà vẫn không gây suy giảm khả năng xử lý của hệ thống.
Như hình ảnh ở trên, thực tế máy laptop này sử dụng CPU hai nhân nhưng việc ứng dụng công nghệ siêu phân luồng, chúng ta có thể thấy có đến 4 nhân (4 luồng dữ liệu).
    
Một lúc nào đó, máy tính phải xử lý quá nhiều tác vụ, bộ xử lý đang phải hoạt động tới giới hạn mặc định và lúc này hệ điều hành "đòi hỏi" thêm hiệu năng xử lý, tần số của bộ xử lý. Công nghệ Intel Turbo Boost tự động cho phép các nhân của bộ xử lý chạy nhanh hơn tần số hoạt động cơ bản nếu chúng còn đang hoạt động dưới các giới hạn công suất, dòng, và nhiệt độ cho phép.
Công Nghệ Intel Turbo Boost 2.0 hiện nay có nhiều giải thuật hoạt động song song với nhau để xử lý dòng điện, công suất, và nhiệt độ để nâng cao tối đa hiệu năng xử lý và hiệu quả sử dụng điện nhằm tăng tốc hệ thống, hiệu năng xử lý đa tác vụ tăng đồng thời cũng điều chỉnh tối ưu điện, nhiệt để tránh làm "hao mòn" các thiết bị và chip CPU.
Bảng tham khảo một số chip Intel có sử dụng công nghệ "siêu phân luồng" và Turbo Boost:
Kết luận:
Nâng cấp CPU luôn mang lại hiệu quả cao nhất khi nâng cấp phần cứng (không tính việc bạn thay mainboard) nhưng giá cả luôn đắt đỏ, và nếu máy tính vẫn trong thời hạn bảo hành thì chắc chắn việc bạn phải "hy sinh" chế độ bảo hành để nâng cao khả năng làm việc cho máy tính. Tùy theo nhu cầu của mỗi người sử dụng nhưng khi đã quyết định nâng cấp CPU, bạn cần quan tâm đến những điều sau đây:
- Xem máy tính của bạn có thể nâng cấp CPU hay không? (Tham khảo trên google hoặc website nhà sản xuất về mainboard, chipset CPU).
- Vì không phải mainboard nào cũng cho phép nâng cấp CPU nên bạn cần cài đặt chương trình CPU MSR để giúp bạn thay đổi thông số model đăng ký của chip xử lý nhằm hỗ trợ nâng cấp. (bài viết này không hướng dẫn sử dụng CPU MSR, bạn có thể tìm trên google để tải về).
- Xác định thông số kỹ thuật của mainboard, CPU (Intel hay AMD).
- Dùng phần mềm CPU-Z xem thông số của CPU hiện tại (số chân cắm (socket), tốc độ Bus CPU (FSB -  Front Side Bus), Cache L2/ L3) để nâng cấp CPU sao cho hợp lý.
Cuối cùng, bạn lên các website sữa chửa máy tính, rao vặt, mua bán thiết bị tin học (http://www.suachuabaotrimaytinh.vn ; http://www.nangcapcpu.com ; http://www.vitinh4k.com…) để tham khảo giá trước rồi hãy đến các cửa hàng tin học mua để tránh bị mua "hớ".
Minh Triết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét