Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2015

Hướng dẫn cài đặt mạng Boot - Rom (phần 1)

Hướng dẫn cài đặt mạng Boot - Rom (phần 1)

 
1. GIỚI THIỆU: Chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu với các bạn một loạt chuyên đề hướng dẫn cách thực hiện một hệ thống mạng LAN sử dụng kỹ thuật BOOTROM (hay còn gọi là khởi động máy từ xa – remote boot) cho phép một số máy tính thành viên trong mạng không gắn đĩa cứng riêng mà vẫn có thể hoạt động như một máy tính thông thường. Hệ thống mạng đặc biệt này được gọi một cách ngắn gọn là Mạng BOOT-ROM. Trong Phần 1 sẽ giới thiệu mô hình mạng BOOT-ROM và tìm hiểu nguyên lý hoạt động cơ bản của hệ thống mạng này.
 
2. CHUẨN BỊ:
Chúng ta sẽ xây dựng mạng BOOT-ROM trong đó các máy khách sẽ dùng chung một ổ đĩa ảo (thực chất là một tập tin ảnh dùng chung - Share Image) chứa HĐH Windows XP, với những chuẩn bị và qui uớc như sau:

     • Máy chủ có cấu hình Pentium 4, HDD 40GB, RAM 512 MB, HĐH Windows Server 2003 kèm theo dịch vụ cấp phát địa chỉ động DHCP

     • Các máy trạm có cấu hình đồng bộ Celeron, RAM 128MB, HĐH Windows XP và các ứng dụng cần thiết.

     • Sử dụng card mạng Realtek 8139 tốc độ 10/100 Mb/s gắn kèm BOOT-ROM hỗ trợ chuẩn PXE 2.0

     • Phần mềm tạo và quản lý tập tin ảnh của đĩa cứng ảo BXP 2.5 của hãng Venturcom.
 
3. MÔ HÍNH HOẠT ĐỘNG:
Để thực hiện hệ thống mạng BOOT-ROM này, chúng ta cần có những kiến thức cơ bản về mạng máy tính và TCP/IP, tuy nhiên bạn cũng có thể chấp nhận một số kết quả trong quá trình thực hiện. Những vấn đề này chúng ta sẽ có dịp hiểu kỹ hơn khi thực hành nhiều lần cũng như tham khảo thêm các tài liệu liên quan và tài liêu đi kèm với phần mềm. Trước khi bắt tay vào việc, chúng ta cần nắm được một cách khái quát về mô hình hoạt động của hệ thống mạng này.

MÔ HÌNH 01:
Trước tiên, ta xem xét mô hình hoạt động gồm 03 máy tính:
     • Máy A là P4 được cài đặt HĐH Windows Sever 2003

     • 02 máy còn lại B & C là máy Celeron được cài đặt HĐH Windows XP và ứng dụng cần thiết

Các máy này đều có thể hoạt động độc lập nhờ các HĐH được cài đặt trên đĩa cứng riêng của từng máy.
MÔ HÌNH 02:
Khi các máy có nhu cầu trao đổi thông tin hoặc sử dụng các dịch vụ từ một máy khác thì ta sẽ kết nối chúng lại thông qua các thiết bị mạng.

Trong hệ thống mạng này ta gọi máy tính A được cài HĐH Windows Server 2003 là máy chủ và 02 máy còn lại B & C là các máy khách. Ở mô hình này các máy vừa chạy độc lập vừa có thể trao đổi thông tin hay sử dụng các dịch vụ của nhau thông qua hệ thống mạng vừa thiết lập.
 
MÔ HÌNH 03:
Bây giờ có 1 câu hỏi đặt ra là nếu chúng ta bỏ đĩa cứng đang chứa HĐH Windows XP ra ngoài thì máy khách B hoặc C có thể hoạt động bình thường như trước đó hay không? Câu trả lời là hoạt động được. Để làm được điều này ta cần có thêm trợ giúp từ một phần mềm thứ 3 mà trong chương trình sử dụng phần mềm BXP 2.5 của hãng Venturcom. Phần mềm BXP gồm 2 thành phần:

     • BXP server được cài đặt trên máy chủ A

     • BXP Client trên 2 máy khách B, C.

Nhiệm vụ của phần mềm BXP là

     • Mã hoá toàn bộ HĐH Windows XP đang cài đặt trên đĩa cứng của máy B hoặc C thành một tập tin ảnh.

     • Chép tập tin ảnh này đặt trên đĩa cứng của máy chủ A và làm sao để máy khách có thể truy xuất nó như là một ổ đĩa ảo có chứa HĐH Windows XP.

     • Quản lý và phối hợp các hoạt động giữa đĩa ảo với từng máy khách
 
MÔ HÌNH 04:
Trong mạng BOOT-ROM các máy khách không ổ cứng khởi động vào hệ điều hành dựa vào sự hỗ trợ hoàn toàn từ máy chủ. Nghĩa là HĐH Windows XP điều khiển máy khách sẽ được nạp vào từ tập tin ảnh ảo trên ổ cứng của máy chủ thay vì trên máy khách. Để làm được điều này, đầu tiên card mạng trên các máy khách cần gắn thêm BOOT-ROM hỗ trợ chuẩn PXE version V.99J hoặc cao hơn.

Khi bạn bật nguồn cho máy khách, đoạn mã chương trình chứa trong BOOT-ROM trên card mạng được khởi động và phát ra một yêu cầu nhận cấp phát địa chỉ IP và các thông tin cấu hình khác đến máy chủ. Dịch vụ cấp phát địa chỉ IP động DHCP được cài đặt trên máy chủ sẽ nhận yêu cầu và cấp cho máy khách một địa chỉ IP, các thông tin cấu hình liên quan và địa chỉ của máy chủ cài đặt các dịch vụ của BXP (như dịch vụ Boot và Login).

Sau khi đã nhận đầy đủ các thông tin này, BOOT-ROM trên máy khách sẽ sử dụng giao thức truyền tập tin TFTP (Trivial File Transfer Protocol) để nạp một tập tin ảnh chứa thông tin khởi động (Bootstrap File VLDRMIL13.BIN) đã được lưu trên đĩa cứng của máy chủ.

Giao thức TFTP cũng được sử dụng để truyền tập tin giữa máy chủ và máy khách. Sau đó máy khách sẽ khởi động từ tập tin Bootstrap này và thông qua sự hỗ trợ của các dịch vụ chứa trong BXP để truy xuất tập tin ảnh ảo của HĐH Windows XP dưới hình thức một ổ đĩa ảo lưu trên đĩa cứng của máy chủ.

4. KẾT PHẦN I:
Đến đây chúng ta đã biết mạng BOOT-ROM là gì và nguyên tắc hoạt động của nó ra sao. Trong chuyên đề tới chúng ta sẽ bắt đầu các bước cài đặt.
BIT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét